Đạo thờ Mẫu

Đạo Mẫu, một nét khái quát.

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đạo Mẫu được thờ tại các đền, phủ. Đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các chùa đều có bàn thờ Mẫu (Tiền Phật, hậu Mẫu).


I. Lịch sử và phát triển
Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sử sách. Có người cho rằng đạo Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian những người phụ nữ có thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ, và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh [1] phân chia sự phát triển của đạo Mẫu thành các giai đoạn:
1. Thờ các nữ thần thiên nhiên riêng biệt. Các nữ thần này là các tinh thần thiên nhiên và không có đặc điểm của con người, đặc biệt là đặc điểm của người mẹ.
2. Thờ các Thánh Mẫu. Các nữ thần này đã có đặc điểm của người mẹ. Ví dụ Mẹ Âu Cơ, mẹ của dân tộc Việt.
3. Thờ Thánh Mẫu tam phủ-tứ phủ. 3 hay 4 "Phủ" ở đây không phải là số đơn vị xây dựng như "đền", "phủ", mà là 3 hay 4 thành tố của vũ trụ: Trời (Thiên phủ), Đất (Địa phủ), Nước (Thủy phủ), Núi rừng (Nhạc phủ).

II. Nghi lễ thờ cúng
Các vị thần trong đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, nó quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian. Điều này được thể hiện trong các cầu nguyện và kinh lễ. Các bài kinh lễ là các bài hát về nhiều điều mà người ta mong muốn trong cuộc sống hàng ngày: Thời tiết tốt cho mùa màng, sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc, tiền tài, v.v.. Nội dung của các bài kinh lễ đơn giản và dễ hiểu, điều này rất khác so với nội dung kinh lễ các tôn giáo khác như Phật giáo hay Kitô giáo.
Đạo Mẫu có các nghi lễ tổ chức theo Âm lịch với các tín đồ và nhiều người đi lễ tham gia. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Nghi lễ phổ biến nhất là lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng). Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, linh hồn này được vời đến để nghe lời cầu nguyện của người đi lễ. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ (bà cốt), đôi khi mới do nam giới đảm nhận (ông đồng).
Các giá đồng (các điệu múa linh thiêng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô,... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn (hay chầu văn). Hát văn là một thể loại hát nói (vừa hát vừa nói). Hát văn do người đồng biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Trần (Cha) và Liễu Hạnh Công chúa (Mẹ). Ngoài ra, người đi lễ có thể đến các phủ đền vào các ngày mùng Một hoặc ngày Rằm (âm lịch) hàng tháng, dâng đồ cúng lễ để tạ ơn và cầu khấn.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Liễu Hạnh Công chúa): Thánh Mẫu Liễu Hạnh được cho là công chúa của Ngọc Hoàng Thượng đế, do lỡ tay làm vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần làm con gái nhà họ Lê (ở Phủ Giầy thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1557. Dưới trần thế, bà có cuộc sống ngắn ngủi, lấy chồng và sinh con năm 18 tuổi và chết năm 21 tuổi. Do bà yêu cuộc sống trần tục nên Ngọc Hoàng cho bà tái sinh lần nữa. Trong kiếp mới, bà du ngoạn khắp đất nước, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, gặp gỡ nhiều người. Bà thực hiện nhiều phép mầu, giúp dân chống quân xâm lược. Bà trở thành một lãnh tụ của nhân dân và thậm chí bà còn tranh đấu với vua chúa. Do đức hạnh của bà, nhân dân đã lập đền thờ bà ở nhiều nơi như: Phủ Giầy, phủ Tây Hồ, Đền Sòng... Bà đã được thánh hóa và trở thành một vị Thánh Mẫu quan trọng nhất và một hình ảnh mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam. Cho dù cuộc đời của bà được giải nghĩa theo cách nào, Liễu Hạnh đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Bà tách mình ra khỏi Khổng giáo với quan niệm trọng nam khinh nữ. Bà nhấn mạnh vào hạnh phúc, quyền tự do đi lại và độc lập tư tưởng. Vừa được kính sợ vừa được yêu mến, các nguyên tắc của bà về trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt cũng đã gửi một thông điệp về sự bảo vệ và hy vọng vào công bằng xã hội cho nhân dân trong thời loạn lạc của các thế kỷ 17-19. Vừa là thần tiên vừa là người (con gái, vợ, mẹ), Liễu Hạnh chia sẻ vui buồn với những người trần tục. Bà được coi là vị thần cảm thông và độ lượng nhất. Bà trở thành một trong các vị thần của Đạo Mẫu và nhanh chóng được nâng lên vị trí quan trọng nhất, cai trị các vị thần ở dưới và thế giới con người.

III.Các vị thần khác của đạo Mẫu
Trong các đền thờ của Đạo Mẫu có nhiều vị thần được sắp xếp theo các thứ bậc. Đầu tiên là Ngọc Hoàng. Đây là vị thần tối cao và được đặt ở vị trí danh dự, nhưng lại ít được thờ cúng. Vị thần cao nhất của Đạo Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các vị khác được đặt tại các ban thờ tam phủ hoặc tứ phủ. Các Chư Linh của ban Tứ Phủ được phân chia như dưới đây:
1. Bảo Dân Hộ Quốc Thánh Mẫu.
• Mẫu Âu Cơ (Thiên Phủ & Nhạc Phủ)
• Mẫu Đệ Nhất (Thiên Phủ). Danh hiệu: Mẫu Liễu Hạnh
• Mẫu Đệ Nhị (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Mẫu Thượng Ngàn
• Mẫu Đệ Tam (Thoải Phủ). Danh hiệu: Mẫu Thoải
• Mẫu Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Lê Mại Đại Vương
2. Phụ Vương Đại Thánh.
• Lạc Long Quân (Thoải Phủ)
• Bát Hải Long Vương (Thoải Phủ). Danh hiệu: Vua Cha

3.Trần Triều Hiển Thánh
• Đức Thánh Trần. Danh hiệu: Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo - Tiết chế quốc công Hưng Đạo Đại vương)
• Đệ Tam Ông Cửa Suốt - Con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương
• Đệ Nhất Vuong Cô - Con gái thứ nhất của Hưng Đạo Vương
• Đệ Nhị Vương Cô - Con gái thứ hai của Hưng Đạo Vương
• Đức Thánh Phạm Danh hiệu: Phạm Ngũ Lão - Con rể của Hưng Đạo Vương
• Cô Bé Cửa Suốt -cháu gái của Hưng Đạo Vương
• Cậu Bé Cửa Đông-cháu trai của Hưng Đạo Vương
Trần Hưng Đạo là danh tướng thời nhà Trần và cũng là danh tướng trong lịch sử Việt Nam, có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông cũng là tác giả của bộ "Binh thư yếu lược" (hay "Binh gia diệu lý yếu lược") và "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" (đã thất lạc). Ông còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, được gọi là Đức thánh Trần. Trần Quốc Tuấn, quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230 hay 1232. Ông có vốn tài quân sự, lại là tông thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước, được phong tước Hưng Đạo Vương. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ trên dưới 70 tuổi. Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc. Và sùng kính phong Thánh. Trần Hưng Đạo được thờ phụng ở nhiều nơi, lễ hội lớn nhất hàng năm được tổ chức ở đền Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
4. Các Vị Chúa Mường
là các vị Chúa Bà chuyên về đáp giải bói bốc. Nếu chỉ tính ba vị Chúa Bói thì gọi là "Tam Toà Chúa Bói."
• Chúa Đệ Nhất Tây Thiên(Thiên Phủ)&(Nhạc Phủ)
• Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ(Nhạc Phủ)
• Chúa Đệ Tam Lâm Thao (Thoải Phủ)&(Nhạc Phủ)
• Chúa Cà Phê(Địa Phủ)&(Nhạc Phủ)
• Chúa Ngũ Hành Ngũ Phương(Nhạc Phủ)
• Chúa Long Giao(Nhạc Phủ)
• Chúa Thác Bờ (Thoải Phủ)&(Nhạc Phủ)
• Chúa Mọi(Nhạc Phủ)
5. Ngũ Vị Tôn Quan
Trách nhiệm của ngũ vị này là giáng vào thanh đồng để bắt đầu "mở phủ" cho các giá đồng sau được theo vào người đồng.
• Quan Đệ Nhất quyền cai Thiên Phủ trên trời, theo thần thoại là thần làm mưa làm gió, và cũng là Quan Lớn ở trong cung điện Ngọc Hoàng. Mặc bào mầu đỏ.
• Quan Đệ Nhị (Quan Giám Sát) ngày cúng của Đức Giám Sát là Âm Lịch mùng Ba tháng Ba. Châu văn ràng: Quyền cai rừng núi Lâm Cung, lên rừng suống biển tâu về Bát Hải Long Vương. Lúc đánh trận cho nhà vua thánh, Ông Quan là vị giám sát trước để đánh thuận xông pha. Mặc bào mầu xanh lá cây. Lúc lên giá này, ông cầm khăn phủ diện để minh giám hoàn cảnh.
• Quan Đệ Tam (Quan Tam Phủ) là con vua Bát Hải Long Vương, ra trận cầm đối đao vệ dân hộ quốc. Mặc bào mầu trắng. Lúc lên giá này, ông cầm đôi bạch kiếm đi xông pha quỉ thế tà giới.
• Quan Đệ Tứ (Quan Khâm Sai) là một ông quan Địa Linh quyền cai đất bằng. Ông có trách nhiệm đi khâm sai các vùng các dân, giữ an lành của nước Việt. Mặc bào mầu vàng.
• Quan Đệ Ngũ (Quan Tuần Tranh) là một ông Quan anh hùng hào kiệt có kể là tướng đi tuần ở Sông Tranh. Mặc bào mầu xanh biển. Lúc lên giá này, ông cầm cái thanh long đao to như của ông Quan Công của thời Tam Quốc.
6.Lục Phủ Tôn Ông
• Đệ Nhất Vương Quan. Danh hiệu: Quan Điều Thất
• Đệ Nhị Vương Quan. Danh hiệu: Quan Hoàng Triệu
7. Tứ Phủ Chầu Bà
• Chầu Đệ Nhất (Thiên Phủ)
• Chầu Đệ Nhị (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Ngôi Kiều Công Chúa
• Chầu Đệ Tam (Thoải Phủ). Danh hiệu: Thuỷ Điện Công Chúa
• Chầu Thác Bờ (Thoải Phủ & Nhạc Phủ) Có người hầu là giá thứ ba, tức là Chầu Đệ Tam, Bà chúa Thác Bờ
• Chầu Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa
Đình Cốc Thượng là nơi tôn thờ Chiêu Dung công chúa Lý Thị Ngọc Ba, đã có công với dân, với nước. Bà đã cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân xâm lược Nam Hán phương Bắc, đem lại thái bình cho dân tộc vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (năm 40)
• Chầu Năm (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Suối Lân Công Chúa
• Chầu Ngũ Phương Có người hầu giá này thay vao Chầu Năm, tức là Chúa Ngũ Hành Ngũ Phương
• Chầu Lục (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa
• Chầu Bẩy (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Tân La Công Chúa
• Chầu Tám (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Nữ Tướng Bát Nàn
Bà họ Vũ, ở làng Phượng Lâu, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Thân phụ của bà là thầy thuốc làm nhiều việc phước đức. Bà nổi tiếng là phụ nữ xinh đẹp và giỏi võ nghệ.
• Chầu Chín Cửu Tỉnh ở Bỉm Sơn Thanh Hoá
• Chầu Mười(Nhạc Phủ). Danh hiệu: Nữ Tướng Đồng Mỏ Chi Lăng
• Chầu Mười Một
• Chầu Bé (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Bắc Lệ Công Chúa
8. Chầu Bà Ngũ Hành
• Đệ Nhất Chầu Bà Kim Tinh Thần Nữ
• Đệ Nhị Chầu Bà Mộc Tinh Thần Nữ
• Đệ Tam Chầu Bà Thuỷ Tinh Thần Nữ
• Đệ Tứ Chầu Bà Hoả Phong Thần Nữ
• Đệ Ngũ Chầu Bà Thổ Đức Thần Nữ
9. Thập Vị Thủy Tế
• Ông Hoàng Cả (Thiên Phủ). Danh hiệu: Ông Hoàng Quận/Lê Lợi
• Ông Hoàng Đôi (Nhạc Phủ)
• Ông Hoàng Bơ (Thoải Phủ)
• Ông Hoàng Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Ông Hoàng Khâm Sai
• Ông Hoàng Năm
• Ông Hoàng Sáu
• Ông Hoàng Bảy (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Ông Bảo Hà
• Ông Hoàng Bát (Nhạc Phủ). Danh hiệu:Ông Bát Quốc, là một ông quan gốc người Hán đóng quân ở Lào Cai
• Ông Hoàng Chín (Thiên Phủ). Danh hiệu: Ông Cờn Môn
• Ông Chín Thượng(Nhạc Phủ)
• Ông Hoàng Mười (Địa Phủ). Danh hiệu: Ông Nghệ An, có công chống giặc Thanh từ bên TQ
10. Tứ Phủ Tiên Cô
• Cô Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ)
• Cô Đệ Nhất Thượng Ngàn(Nhạc Phủ)
• Cô Đôi Thượng(Nhạc Phủ)
• Cô Đôi Cam Đường(Nhạc Phủ) quê cô ỏ Đình Bảng Bắc Ninh nhưng cô Hiển Thánh ở Cam Đường Lào Cai
• Cô Bơ Hàn Sơn (Thoải Phủ) tức là Cô Ba Bông & Cô Ba Tây Hồ
• Cô Tư (Địa Phủ)
• Cô năm Suối Lân(Nhạc Phủ)
• Cô sáu Sơn Trang(Nhạc Phủ)
• Cô bảy Tiên la(Nhạc Phủ)
• Cô Tám đồi chè(Nhạc Phủ) ở đền Phong Mục
• Cô Chín Sòng Sơn(Thiên Phủ)
• Cô Chín Thượng(Nhạc Phủ)
• Cô Chín Thoải (Thoải Phủ)
• Cô Mười Đồng Mỏ(Nhạc Phủ)
• Cô Bé Đông Cuông(Nhạc Phủ)
• Cô Bé Suối Ngang (Nhạc Phủ)
• Cô Bé Thác Bờ (Thoải Phủ)
• Cô Bé Thoải(Thoải Phủ)
• Cô Bé Đen(Nhạc Phủ) tức là Cô Bé Sóc
11. Thập Vị Triều Cậu
• Cậu Hoàng Cả (Thiên Phủ)
• Cậu Hoàng Đôi (Nhạc Phủ)
• Cậu Hoàng Bơ (Thoải Phủ)
• Cậu Hoàng Bé(Nhạc Phủ)
12. Quan Ngũ Hổ
• Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần Quan
Nam Phuong Bính Đinh Hoả Đức Xích Hổ Thần Quan
• Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần Quan
Tay Phuong Canh Thân Kim Đức Bạch Hổ Thần Quan
• Bắc Phuong Nhâm Quý Thuỷ Đức Hắc Hổ Thần Quan
13. Ông Lốt
• Thanh Xà Đại Tướng Quân
• Bạch Xà Đại Tướng Quân
Giải thích về sự có mặt của cả nam thần lẫn nữ thần trong các vị thần của Đạo Mẫu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng: Do xã hội Việt Nam cổ xưa theo chế độ mẫu hệ, nên phụ nữ có vị thế quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, người phụ nữ chỉ có được quyền lực khi họ đã kết hôn. Do đó, nam giới cũng được xem là có vai trò quan trọng trong cuộc sống, và họ cũng được thờ cúng

LỄ TRÌNH ĐỒNG

Cuộc sống thường nhật của con người không phải lúc nào cũng êm đẹp, mọi việc đều hanh thông, thuận lợi, sức khoẻ tốt… mà thường xuyên gặp nhiều sự không may, thậm chí xẩy ra liên tiếp, ví dụ: ốm đau không tìm ra nguyên nhân gây bệnh; làm ăn buôn bán thất bại; vợ chồng xích mích; con cái có sinh mà không có dưỡng, hao người tốn của .v.v.. Những người tin vào tâm linh thì hay đi lễ bái các chùa, đền, phủ, làm sớ sám hối, tổ chức giải hạn, cầu an… nhưng vẫn không thoát qua. Đối với những người là tín đồ trong Tứ Phủ thì cho rằng: Sở dĩ gặp những điều không may trong cuộc sống thường nhật là tại căn cơ, duyên nợ của mình với các Ngài trong Tứ phủ quá nặng, các Ngài đã chọn, đã chấm mình (chấm đồng bắt lính) nhưng không chịu ra hầu nên bị các Ngài hành hạ. Để giải quyết tình hình này, tín đồ Tứ phủ phải ra “đầu” các quan - trình diện để các quan thu nhận, thì mới khỏi. Lễ đó gọi là lễ trình đồng.
Lễ trình đồng – còn gọi là hầu bóng, là một loại hình sinh hoạt đặc biệt trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần được vời đến sẽ nhập vào người hầu đồng, nghe lời cầu nguyện của người đi lễ, phán truyền công việc và ban phát lộc. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ, đôi khi mới do nam giới đảm nhận. Ngày nay, rất nhiều thầy tứ phủ đảm nhiệm công việc hầu đồng. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Do đó, không có qui định chuẩn mực, trình tự tiến hành nào cụ thể cho quá trình hành lễ.

Các giá đồng biểu hiện qua các điệu múa linh thiêng là một phần quan trọng của nghi lễ. Về lý thuyết thì có 38 vị thánh được thờ trong Tứ phủ, ứng với 38 giá đồng, nhưng thực tế có thể hầu được tới 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô, ông Lốt, quan Ngũ hổ... Trên thực tế, chỉ có một số Ngài về mở phủ và chứng đàn trong lễ trình đồng.Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn hay còn gọi là hát chầu văn. Hát văn là một thể loại hát nói - vừa hát vừa nói. Hát văn do ban hát biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người hầu đồng múa điệu múa thần linh theo nhịp điệu và nội dung bài hát văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Lễ sơ khởi là lễ đội bát nhang. Lễ này thực hiện không tốn kém nhiều... Nếu mọi việc vẫn chưa ổn thì phải ra làm lễ trình đồng. Sau khi đã được tôn lô nhang mà căn mạng vẫn còn quá nặng thì đệ tử (con đồng) phải ra đàn Tứ Phủ sơn trang làm lễ trình đồng để chính thức trở thành ghế đệm cho các Ngài thì mới hết bị Ngài hành.

Người muốn đội bát nhang hay trình đồng phải nhờ một vị sư hoặc chủ đồng đền và một thầy viết sớ, thầy bói coi tuổi để biết mình thuộc căn cơ nào? thuộc con nhang của Phủ nào trong 4 phủ? do vị Quan nào cai quản? Thí dụ: Tuổi Canh Thìn thuộc căn Bơ phủ (Phủ Thoải), quan cai đầu đồng là ông Hoàng Bơ. Tức tuổi ấy có căn với ông Hoàng Bơ và là ghế của ông Hoàng Bơ. Tuy nhiên, trong hàng vạn người may ra mới có một người có căn thực sự, do đó, cần phải lập Tử Vi và Bát tự xem mệnh có căn đồng thực sự không? Ngày nay, nhiều khi chỉ đi gặp Thầy tứ phủ, nghe Thầy phán truyền về căn mạng là về thu xếp làm lễ trình đồng ngay, không biết đúng sai đến đâu.

Lễ trình đồng có mục đích trình diện con đồng với chư vị Mẫu, Mẹ, Vua, Cha, với các ông Hoàng, bà Chúa của bốn phủ. Sau lễ ấy, con đồng mới được chính thức làm ghế đệm để các Ngài về phán bảo và làm việc quan. Ghế đệm chính là thân xác con đồng, được các Ngài nhập vào để phán truyền với các con nhang, đệ tử Tứ phủ.
Tiếp LỄ TRÌNH ĐỒNG
Lễ trình đồng ngày nay rất tốn kém. Nguời nghèo không có tiền thì đàn mỏng lễ sơ, nhưng người giàu thì tổ chức trình đồng có đàn lễ lên tới con số 20 - 30 triệu đồng Việt Nam. Chi phí bao nhiêu cũng phải cố mà làm, sạt nghiệp vì chi phí lễ quá cao.

Thông thường tín đồ chỉ đưa tiền cho nhà đền (Thủ đền), nhà đền lo sắm lễ tất cả. Ngày nay, tín đồ giao hết tiền cho Thầy Tứ phủ tự thu xếp. Cuộc lễ có thể tổ chức vào ngày tốt, tiến hành trong 3 ngày. Ngày đầu gọi là lễ trình (mở Đàn, mở Phủ), ngày thứ 2 có hoặc không, để cách khoảng chứ không có lễ nghi gì quan trọng, và ngày cuối cùng là ngày tiễn Đàn sơn trang nên được gọi là: “Tiền tứ phủ, hậu sơn trang”. Ngày nay, đôi khi người ta tổ chức luôn trong phạm vi một ngày. Lễ trình mở Đàn, mở Phủ chủ yếu làm thủ tục trình báo với các Ngài trong Tứ phủ, cúng các loại đồ mặn, một ít đồ mã, tiền vàng. Lễ này ta tạm hiểu giống như thủ tục tổ chức, ổn định hội nghị, tuyên bố lý do, khai mạc, chào cờ và đọc báo cáo hội nghị. Lễ tiễn Đàn sơn trang mới là lễ chính, phần quan trọng nhất của lễ trình đồng. Tại Lễ tiễn Đàn sơn trang, các Ngài sẽ nhập vào người hầu đồng, điểm nhang phù phép lễ vật, vui chơi và phán truyền.

Lễ tiễn Đàn sơn trang cần rất nhiều lễ vật. Loại lễ vật thứ nhất là hoa quả, vật dụng tư trang, đồ ăn, bánh kẹo.... Hoa quả bầy trên khắp các ban thờ, thường dùng nhất là hoa huệ trắng, ngày nay là hoa hồng. Đặc biệt ban thờ trước giá hầu thường được cắm hoa hồng. Tiền để Thánh ban phát lộc bày cả khay trên bàn lễ. Có khi người ta lấy tiền giấy kết thành hình con bướm mắc vào cành huệ để các Ngài dùng những cành hoa ấy phát lộc. Rất nhiều trái cây đủ loại được bày thành từng mâm. Trong đó có một vài mâm đặc trưng mà buổi hầu đồng nào cũng phải có: Mâm quạt, mâm lược và mâm gương soi để dâng cho giá cô Bơ phủ. Một mâm hoa quả như: ớt, ổi, dứa, chuối, đu đủ..., gừng, chanh... gọi là lộc sơn trang để dâng cô Bé Thượng Ngàn; một mâm kẹo bánh, đồ chơi trẻ con để dânh cho giá Cậu; một mâm trứng, oản thịt luộc để dâng Ngũ hổ năm dinh; kẹo lạc trà tàu thuốc lá mà đầu thuốc có phết một ít thuốc phiện để dâng giá ông Hoàng Bảy.

Loại lễ thứ hai là đồ mã. Bắt buộc phải có một đài sơn trang, lớn hay nhỏ tùy theo ý muốn của người ra đàn. Đài sơn trang là một cái động nằm trong khu rừng âm u, trong động có các nàng tiên nữ theo hầu bà chúa Sơn Trang, có người gảy đàn, người múa hát... tất cả đều được làm bằng giấy. Bốn hình nhân thế mạng lớn bằng hình người thật, mặc sắc phục khác nhau: Xanh, đỏ, trắng, vàng tượng trưng cho bốn phủ. Mỗi hình nhân mang theo một điệp sớ. Sớ này do Thầy tứ phủ viết trước khi làm lễ. Chữ viết theo lối bùa chú, có thể đọc được. Một thuyền giấy hình thoi, một hình người có 3 đầu, mình rắn (ông Lốt), một ngựa, một voi, và nhiều mũ, vàng thoi.... Đây chỉ là kê cho đủ, trên thực tế thì đồ mã dùng nhiều vô kể, đặc biệt là đồ mã hình nhân, voi, ngựa, thuyền giấy, hình nhân 3 đầu…

Loại lễ vật thứ ba là một mâm sớ, 4 quyển sổ, 4 nghiên son, 4 thỏi mực, 4 bút lông. Mỗi sổ dành cho một phủ. Trên ban thờ hầu được thiết lập thành 4 phủ. Đó là 4 dãy lụa đỏ, xanh, trắng, vàng trải dài trên bàn phủ xuống tận đất. Mỗi vuông lụa ngang khoảng 7 đến 9 tấc, dài khoảng 2,50m. Những vuông lụa đó phủ kín để che dấu bên trong là một cái thau, một cái gáo múc nuớc để trên thau, một hũ nước dán miệng kín bằng một tờ giấy cùng màu với phủ, một mâm gạo, một mâm trứng, thuốc lá, trà tàu, một hộp trầu cau. tất cả đều mới và cùng màu với phủ. Những lễ vật như thau, gáo múc nuớc, hũ nước do Thầy tứ phủ quyết định và ngày nay, đôi khi ít được sử dụng trong quá trình hành lễ. Ngoài cửa đền còn có bày một mâm gạo, trứng, muôi và cháo để cúng chúng sinh.

Khi mọi lễ vật đã được chuẩn bị xong, cuộc lễ bắt đầu. Lễ thường được tiến hành từ 10 giờ sáng. Người ra đàn phải tìm cho mình một Quan thày (Thầy tứ phủ) có đức cao trọng vọng và có tiếng trong Tứ Phủ để hầu mở phủ. Người ra đàn phải mang những y phục mà mình đã may để trình. Những y phục này chỉ có giá trị khi đã dâng lên và được các Ngài “chứng” bằng cách điểm dấu nhang lên trên đó. Ngày nay, vấn đề y phục cũng do Thầy tứ phủ và đệ tử theo hầu thầy đảm nhận toàn bộ. Vì vậy, đôi khi đó là những bộ y phục cũ, đã dùng rồi. Chỉ riêng y phục khăn chầu áo ngự cũng có thể viết được một bài dài mô tả về số lượng và sự phong phú của nó.

Trước bệ hầu, bà đồng, hoặc Thầy tứ phủ (người hầu bóng) đảm nhận việc hầu đồng ngồi giữa, xung quanh có bốn đệ tử theo hầu, lo việc thay khăn áo, đưa trình các vật dụng như rượu, thuốc lá, trầu cau, kiếm, đao, nến lửa…Bốn người hầu này còn được gọi là hầu dâng, phụ đồng hoặc tứ trụ… tuỳ theo vùng miền, mỗi người một cái quạt lông sặc sỡ, quạt cho Ngài mát, che chắn khi Ngài uống nước, uống rượu, châm thuốc lá …

Sau khi bà đồng, hoặc Thầy tứ phủ đảm nhận việc hầu đồng sửa soạn hầu mở phủ thì cung văn tấu nhạc, Thầy tứ phủ đọc sớ và người ra đàn lễ bái trước tất cả các ban thờ, xong trở lại ngồi chầu nơi bệ hầu để khấn vái chờ nghe các Ngài phán bảo.

Quan thầy hầu trước là giá Tam tòa thánh mẫu. Rồi đến giá Quan. Giá này quan trọng nhất vì chỉ có các quan mới có quyền mở phủ còn những giá khác chỉ về chứng đàn mà thôi. Bởi vậy quan thầy hôm ấy bắt buộc phải hầu giá các quan, còn các giá Cô, cậu,... gọi là hầu cho vui, muốn hầu hay không là tùy. Trong hầu đồng thì trùm khăn phủ diện có ý nghĩa quan trọng nhất trong nghi lễ Thánh giáng. Xuất phát từ quan niệm cho rằng người hầu đồng chỉ là cái xác, cái giá, cái ghế để Thánh nhập vào, nên khi người hầu đồng trùm khăn lên đầu, thì họ được coi như người đã chết.

Mỗi phủ có một quan đầu đồng và quan ở phủ nào thì mở phủ ấy. Thí dụ:
Quan Bơ về mở phủ thứ 3, sắc trắng. Sau những nghi thức thường lệ “Quan” cầm một bó nhang đốt cháy, tay trái cầm chéo khăn và “chống nạnh”, Quan dậm chân hét một tiếng to, lúc ấy chiêng trống nổi lên dồn dập. Quan cầm bó nhang, xoay xoay trước ban thờ và 4 hướng, tiến đến phía các phủ cũng làm dấu điểm nhang. Đoạn ngồi xuống, nghe thầy cúng hoặc cung văn đọc sớ, đọc xong dâng mâm sớ lên cho quan điểm nhang. Quan kiểm sổ bằng cách chấm bút son vào sổ. Rồi đứng dậy tiến tới phủ của mình, Quan giở khăn choàng phủ ra, hầu dâng xếp khăn lại đặt trở lên bàn thờ. Quan lấy vài miếng trầu cau, một quả trứng, thuốc lá, một nhúm gạo bỏ tất cả vào thau sau khi đã điểm nhang trên các vật ấy. Quan lấy gáo chọc thủng nắp thố nước, múc 4 gáo đổ vào thau. Như vậy, là mở phủ xong, Quan trở lại chỗ hầu, nghe văn, ban lộc và xa giá hồi loan. Các quan ở phủ khác cũng đều làm giống như vậy. Sau khi quan thầy hầu mở xong 4 phủ tức là buổi lễ mở phủ đã xong. Suốt trong buổi hầu đồng người ra trình đồng phải hì hục khấn vái và quấn quít bên cạnh Quan thầy. Sau phần nghi lễ chính thức, nhà đền có thể bày tiệc thiết đãi linh đình.
Tiếpvà tạm hết bài LỄ TRÌNH ĐỒNG
36141gif
Có thể tiễn đàn ngay ngày hôm sau hoặc để cách một hôm. Bà đồng trong cung hầu chuẩn bị sửa soạn hầu tiễn, ở bên ngoài cung văn và thầy cúng nổi chiêng trống và đọc sớ làm lễ tiễn Thổ công. Người ra đàn đi lễ tạ khắp các ban thờ. Các mâm cỗ mặn được bầy cúng trước các ban thờ. Vẫn có gạo muối, trứng, chầu cau, cháo để cúng chúng sinh ở cửa đền. Trước các đầu voi, ngựa, thuyền đều có để bát nhang. Cúng xong bà đồng bắt đầu hầu tiễn. Buổi hầu tiễn đồng này vẫn do quan thầy làm, cũng giống như buổi hầu mở phủ chứng đàn. Khi về giá các Quan. Quan nào chịu tiễn đàn thì Quan sẽ chứng sớ và ra lệnh cho hầu dâng cắm một thanh gươm và một cây cờ sau lưng. Tay trái Quan cầm một góc khăn và chống nạnh, tay phải cầm một góc khăn và một bó nhang to đốt cháy... Chiêng trống đổ dồn dập, mọi người vội vã bày hết đồ mã ra xếp dọc hai bên của đền hướng về phía đường đi. Quan làm dấu nhang trên tất cả cá đồ mã, khai quang điểm nhãn cho các hình nhân, những bông vạn thọ được xé nát ra trộn vào gạo muối rải tiễn các đò mã và rải tiễn cả 4 phương. Quan cầm cờ múa quay và miệng hét “ há, há...” quan rải rượu và cắm nhang lên hình nhân và đò mã, ra lệnh cho mang tất cả đi hóa....Bên ngoài các đò mã được chuyển đi hóa, ở trong chiêng trống đổ dồn, quan trở lại ngồi trước bệ hầu uống rượu, hút thuốc, nghe văn, phát lộc và thăng. Buổi lễ ra đàn hay trình đồng như vậy là hoàn tất. Người ra đàn có thể hầu bóng ngay hôm đó.

Về nghi lễ của Lễ trình đồng thì đại thể là như vậy. Trên thực tế ngày nay được đơn giản hơn nhiều. Khi làm lễ trình thì không có cung văn và đàn sáo, chủ yếu là đọc văn cúng khấn và cúng các lễ vật nhưng khi làm lễ mở đàn chính thức thì mới có. Nếu lễ trình đồng, mở phủ có kết hợp cả các nghi lễ trả nợ tào quan, trả nợ thiên cung, đốn tam phủ, tiễn quan sát…thì còn phức tạp và rườm rà hơn nhiều. Đây có thể cũng là một xu hướng mà các thầy tứ phủ muốn kết hợp làm, bản thân người ra đàn chắc cũng muốn vậy. Nếu tuần tự làm từng lễ sẽ rất mất thời gian và hết sức tốn kém.

Sau phần nghi lễ mở phủ là đến phần các Ngài về chứng đàn. Như trên đã nói, có khoảng 38 vị được thờ trong tín ngưỡng Tứ phủ. Các vị Thánh mẫu hầu như không về giáng đồng mở phủ. Chỉ có các quan mới được Thánh mẫu uỷ quyền về chứng đàn, mở phủ tiếp nhận đệ tử (người ra đàn). Đó là các Ngài trong hàng Ngũ vị Vương quan, Ngũ vị Thánh bà. Sau khi các Quan về chứng đàn mở phủ, các vị trong Ngũ vị Hoàng tử, Thập nhị Vương cô, Thập nhị Vương cậu về giáng đồng. Gọi là Ngũ vị Hoàng tử nhưng có đến 10 ông hoàng. Trong số đó có sáu ông giáng đồng, và Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bẩy, Ông Hoàng Muời giáng rất thường xuyên.

Trong một cuộc điều tra xã hội học về hầu đồng của Việt Kiều tại Pháp do J.SIMON - BAROUH thực hiện vào những năm 70 cho thấy trong 27 buổi hành lễ, thì cả 27 lần đều thấy thánh Mẫu giáng, 6 lần đức thánh Trần giáng, 21 lần đức quan Đệ Nhất giáng, 25 lần đức quan Đệ Nhị giáng, 23 lần đức quan đệ Tam giáng, 16 lần quan lớn Đệ Tứ, 26 lâng quan lớn Đệ Ngũ. Hàng Chầu Bà: Đệ Nhất 12 lần, Đệ Nhị 26 lần, Đệ Tam 16 lần, Đệ Tứ 16 lần, Đệ Ngũ 4 lần, Chầu Lục 23 lần. chầu Bé 16 lần. Hàng ông hoàng; Đệ Nhất 11 lần, đệi Nhị 8 lần, đệ Tam 21 lần, đệ Thất 26, Hoàng Mười 23 lần. Hàng các cô, Cô Cả 5 lần, Cô Đôi 17 lần, cô Bơ 24 lần, cô Chín 17 lần và cô Bé 22 lần. Hàng Cậu, cậu Đôi 16 lần, cậu Bé 11 lần. Quan Ngũ hổ giáng 14 lần, Ông Lốt giáng 4 lần. Riêng về phần này cũng phải tốn nhiều giấy mực mới viết được hết.

Lễ trình đồng là một nghi thức đặc biệt, được tiến hành trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Phương pháp tổ chức lễ vẫn mang nặng tính truyền khẩu, chưa có cơ sở kinh sách lưu truyền, mỗi địa phương, mỗi đền phủ đều có cách làm không hoàn toàn giống nhau. Do đó, để tổng hợp được một bài viết về lễ trình đồng là điều không thể được. Bài tổng hợp này cũng chỉ giúp cho độc giả có cái nhìn cụ thể hơn về lễ trình đồng mà thôi. Cảm ơn các bác hoatham, kimkhi, hungnguyen… đã hỗ trợ tài liệu để làm nên bài này. Nếu có gì chưa đúng, xin các bác góp ý, bổ sung cho hoàn thiện. Xin cảm ơn.

ĐÀN MÃ ĐẦY ĐỦ CHO MỘT LỄ MỞ PHỦ TRÌNH ĐỒNG
Để chuẩn bị được một buổi hầu đồng thì trước đó một tuần, các thợ mã chuyên nghiệp đã phải tập kết nguyên vật liệu để làm một đàn đại mã, có tên Long Tu Phượng Mã. Long Tu Phượng Mã có đủ voi, ngựa: đỏ, vàng và trắng. Mỗi con đều to hơn những chú ngựa vẫn chạy trong rạp xiếc. Một voi xám với tỉ lệ 1/1 so với những chú voi thật, ngoài ra còn có một thuyền rồng dài 3,5m rộng 0,8m được trang trí cầu kỳ.
Tất cả những thứ trên được đặt ở sân đền vì chúng quá to để có thể đưa được vào bên trong hậu điện. Trong Đền là nơi ngự trị của 4 toà sơn trang với khoảng 60 hình nhân cao từ 1,2 - 1,6m có bốn màu: đỏ, xanh, vàng, trắng, tượng trưng cho bốn hướng.
BÀY TRÊN BAN THỜ tỨ PHỦ
-Trên cùng bày mũ Vua cha, mũ quan tả hữu, mũ bình thiên, mũ các quan công đồng.
-Dưới một chút thì bày 4000 vàng hoa bốn màu tượng trưng cho bốn phủ kèm theo 4000 vàng cô cũng bốn màu bày cùng với bốn mâm lễ (trứng, lược, quạt, thuốc lá, khăn mặt, khăn phủ...)
-Sáu bài vị 6 màu, gồm 5 màu đỏ, xanh, trắng, vàng, tím dành cho 5 quan lớn (ngũ vị tôn ông) còn một bài vị màu hồng là bản mệnh.
-Lúc phát tấu thì bày mũ hia và ngựa nhỏ của 5 quan lớn dưới bàn hầu

BÀY XUNG QUANH SẬP CÔNG ĐỒNG
-Một ngựa đỏ thiên phủ,một voi vàng địa phủ, một thuyền rồng trắng thuỷ phủ
-Bốn toà sơn trang bốn màu (xanh, đỏ, trắng, vàng), mỗi toà gồm một hình chúa bà ngồi trên bệ, hai hình chầu cầm quạt chầu vào,12 hình cô, một thuyền nhỏ, một bè nhỏ, một thoi nhỏ, một núi giùm,1000 vàng đại,1000 vàng cô, 12 bộ hài sảo. Ngoài ra có thể có thêm mỗi toà một voi và một ngựa cùng màu.
-Rắn đỏ, rắn xanh, rắn vàng hoặc có thể thay rắn bằng hinh con nghê, hình người 3 đầu màu trắng (còn gọi là Tam đầu cửu vĩ) để tiến bốn phủ
-Năm hình nhân như người thật, bốn hình bốn màu tiến bốn phủ,còn một hình màu hồng là bản mệnh dung cho quan tuần về chứng hình bản mệnh và hoá theo đàn mã.
-Ba toà chúa bói, hoặc có thể là một toà, tòa này nhỏ hơn toà sơn trang.
-Một hình quan lớn Trần triều, một hình Đức ông đệ tam, 2 hình nhị vị vương cô,một hình Cô bé Cửa Suốt, một hình Cậu bé Cửa Đông. Những đồ lễ này ngày nay ít người dâng.
-Một ngựa Trần triều, tráp áo màu đỏ,1000 vàng thiếc
-Một thuyền rồng Cô bé Cửa Suốt màu đỏ, tráp áo, 1000 vàng đỏ
-Một ngựa Cậu bé Cửa Đông màu đỏ, tráp áo,1000 vàng đỏ
-Năm ngựa quan lớn, tráp áo 5 màu, 5000 vàng 5 màu
-Ba hình ông hoàng cưỡi ngựa, tráp áo, 3000 vàng 3 màu trắng, xanh, tím dành cho Ông hoàng Bơ,Ông hoàng Bảy, Ông hoàng Mười.
-Năm hình 5 màu cho 5 cô: Cô Đôi,Cô Bơ, Cô Sáu, Cô Chín, Cô Bé, và 5000 vàng cho 5 cô.
-Hai (hoặc 3, 4) hình cậu, ngựa cậu, vàng hoa cho Cậu Bơ, Cậu Bé.
-Quần áo chúng sinh và tiền vãng sinh

SỚ
-Sớ tiến bốn phủ,mỗi phủ một sớ,mỗi hình nhân hay ngựa mang một sớ điệp,sớ cho mấy toà sơn trang, sớ phát tấu, sớ công đồng, sớ Trần triều, sớ bốn phủ bốn màu,mỗi phủ một sớ...
Đi cùng với đàn mã này là 13 suất lộc tố hảo thuộc loại lộc ngon, đắt tiền để trong khi nhảy, Thánh sẽ phát lộc cho khách dự. Có tới 13 bộ quần áo của các ông hoàng, bà chúa, cô, cậu. Sau mỗi một giá đồng, người hầu đồng lại thay một lần quần áo.
Nếu không tận mắt chứng kiến một buổi hầu đồng mở phủ, thì không ai có thể tưởng tượng hay tin được rằng: để có được một buổi hầu đồng hoàn hảo thì khổ chủ phải bỏ ra bao nhiêu tiền mua mã, sắm lễ, trang bị quần áo, thuê phường hát văn. Giới hầu đồng vẫn thường bảo “tuỳ tiền biện lễ”, nhưng phải chứng kiến tận mắt mới hiểu được sự vô cùng của câu này.
CĂN ĐỒNG

Căn đồng là gì? Người như thế nào thì được gọi là có căn đồng? Căn đồng là một hiện tượng được rất nhiều người quan tâm nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng biết một cách thấu đáo. Chính vì không hiểu nên nhiều người vẫn bị lừa phỉnh, mê muội trong tâm linh, dẫn đến hao tiền tốn của, mất thời gian, tự mua dây buộc mình. Bài viết sau đây được tổng hợp từ nhiều ý kiến, tuy không dám nói rằng đã đầy đủ và chính xác về căn đồng nhưng chỉ mong mang đến cho độc giả một góc độ cụ thể hơn về căn đồng để từ đó có cái nhìn đúng đắn và phương thức hành xử hợp lý trong đời sống tâm linh của mình.

Trong các tôn giáo, tín ngưỡng phổ biến trên thế giới, Đạo Thiên Chúa có hình thức hành lễ long trọng kèm theo âm nhạc, hát đồng ca trong nhà thờ với dàn đại phong cầm hết sức tuyệt vời, tạo ra không khí trang nghiêm, thành kính. Ở Việt Nam có tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần với tập tục hầu bóng, lên đồng, kèm theo các động tác múa đặc trưng của từng vị Thánh nhập đồng, thực hiện nghi lễ trong môi trường âm nhạc, ca hát tưng bừng. Trong môi trường hành lễ trang nghiêm và tâm linh như vậy, người có hệ thần kinh yếu rất dễ chịu tác động của không khí buổi lễ, dẫn đến làm thay đổi thần thức, cảm giác hoà nhập với không khí linh thiêng thần thánh. Trong cuộc sống thường nhật, những người như vậy cũng thỉnh thoảng hay rơi vào cảm giác ảo, mơ thấy thần thánh, thân mình bay bổng… Về mặt Thần kinh học, người ta cho rằng những người đó có hệ thần kinh yếu, dễ xúc cảm. Khi có tác động bên ngoài, tâm thức những người đó có xu hướng hoà nhập với môi trường.

Khi lễ hầu bóng diễn ra ở các đền, phủ, điện, trong không khí đàn ca, trống phách, múa hát tưng bừng, mùi nhang khói kích thích, một số ít người tham gia hành lễ có cảm giác thấy lâng lâng, phiêu phiêu, bay bổng, thần thức hoà nhập với không khí lễ hội múa hát khi Thánh giáng vào người con đồng. Đặc biệt, trong môi trường thực hành nghi lễ tâm linh, yếu tố âm nhạc, ca múa hát, mùi nhang khói, lời lẽ và âm thanh khấn vái… có tác dụng rất mạnh. Nếu người hầu đồng có hệ thần kinh như vậy, việc hoà nhập tâm linh trong trạng thái Thánh giáng là điều tất yếu.

Người ta gọi hiện tượng trên là “Ốp đồng”. Người rơi vào trạng thái trên gọi là người bị ốp đồng. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần, những người như vậy được cư dân tín ngưỡng gọi là NGƯỜI CÓ CĂN ĐỒNG. Căn đồng là một hiện tượng được nhiều người quan tâm nhưng không phải ai muốn là có căn. Người ngồi hầu Thánh có cảm giác hào hứng, hoà nhập lễ nghi tâm linh khi thực hành nghi lễ hầu bóng cũng chưa phải là người có căn đồng. Chỉ có những người có hệ thần kinh yếu ở mức độ nào đó khi đi lễ đền, phủ mới bị hiện tượng ốp đồng và người ta gọi họ là những người căn cao, số nặng, là người có duyên (có căn) với các vị Thánh trong Tứ phủ.

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, người có căn đồng là người sinh dương thế nhưng số hệ thiên cung, mệnh càn bóng quế, con cái của cửa Tứ phủ công đồng. Tín ngưỡng thờ Tứ phủ cho rằng, người có căn đồng là người đã được các Thánh chấm, không sớm thì muộn, tùy theo căn số của từng người sẽ được Thánh bắt đi lính làm đồng. Nếu không trình diện để hầu sẽ bị các Thánh hành hạ. Lắm người căn cao số nặng ấy, vì không biết đến cửa Thánh để kêu, để cầu nên bị hành cho đủ các kiểu: ốm đau bệnh tật nhưng đi chữa không khỏi vì không biết là mình bị bệnh gì, bị hành cho dở dại dở điên, công danh sự nghiệp lận đận, nhân duyên khó thành...Nhưng nếu mình biết đến cửa Thánh, cúi đầu đội lệnh, chẳng dám đơn sai thì mọi việc sẽ khác hẳn, bệnh hết, mạnh khỏe, bình an, công thành danh toại.

Tóm lại, người có căn đồng trước sau gì cũng phải ra trình diện, làm ghế ngồi cho Thánh, tức là phải hành lễ trình đồng, mở phủ. Nếu không có căn đồng mà nghe lời phán bảo linh tinh rồi ra lễ trình đồng, mở phủ thì chỉ tốn tiền và thời gian, tự mua dây trói mình vì buộc phải theo đền, phủ suốt đời. Nếu bỏ cuộc sẽ bị Thánh trách quở; mọi khó khăn bất trắc trong cuộc sống sẽ được qui cho là tại vì Thánh phạt.

Vậy làm sao biết được căn mệnh của mình là gì để tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra? Ai có thể xác định được được căn số trong mỗi con người ? Nhiều người chỉ nghe thầy tứ phủ phán bảo về căn số của mình, rằng có căn với Quan lớn này, Cô, Cậu nọ rồi phải đăng đàn làm lễ trình đồng, mở phủ, tự mình gây không ít khó khăn cho mình và hao tiền tốn của. Người ta cho rằng có nhiều cách để biết được căn số của mình. Ví dụ: được các ngài báo mộng; được các ngài về ốp đồng khi mình tham gia hành lễ trình đồng; khi hầu bóng mà mình luôn thích xem và say mê về giá đó; hoặc có thể là do xem bói mà biết được. Nhưng xem bói phải hết sức lưu ý, không phải thầy nói gì mình cũng tin, vì bây giờ cũng lắm thầy làm vì tiền hơn là làm vì tâm để cứu thế độ dân. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn nhưng không phải không có đường thoát, đó là nhờ lập Bát tự để tìm hiểu căn số của mình. Đương nhiên người lập Bát tự phải hết sức am hiểu và giỏi Dịch lý. Hơn nữa, người có căn hay không cũng có thể tự nhận biết qua các hiện tượng trên. Tuy nhiên, cần lưu ý phải khẳng định người có căn đồng là những người mạnh khoẻ, có thể chất, tinh thần và tâm lý hoàn toàn khác với người bị bệnh tâm thần phân liệt.

Nếu phải ra trình đồng, mở phủ, ai là người có thể giúp được người có căn đồng thực hành nghi lễ trong khi xã hội trắng đen lẫn lộn đồng giả, đồng thật này? Bây giờ tìm được một Đồng thầy thật sự khó lắm.

Nếu người có căn đồng không nặng lắm có thể làm lễ tôn lô nhang bản mệnh; nếu chưa đạt yêu cầu thì phải làm lễ trình đồng, mở phủ chính thức thành con dân hầu Thánh, bắc ghế cha ngồi,bắc ngôi mẹ ngự, thành ghế đệm cho Thánh ngự. Muốn làm lễ bốc bát nhang bản mệnh,trước hết người có căn đồng nên chọn một Đồng thầy thật sự, thông thạo việc Thánh. Lễ phải được tiến hành theo đúng trình tự, đúng phép cửa Thánh, có dâng sớ, điệp văn, phẩm vật và đồ mã tiến cúng. Về nguyên tắc, bốc bát nhang ở đền, phủ, điện nào là mình đã trở thành con nhang đệ tử của nơi đó. Các ngày lễ tiệc, đầu năm, cuối năm phải đi lễ đầy đủ ở đó thì mới tốt. Nếu vì lý do nào đó mà tạm thời đi các đền, phủ khác để thực hành nghi lễ thì phải xin và được sự đồng ý của Đồng thầy.

Nếu nặng căn quá mà mình chưa có điều kiện để ra trình đồng, mở phủ, thì có thể lập đàn để xin tiễn căn khất đồng. Nếu vì công danh, sự nghiệp… mà chưa trình đồng, mở phủ thì phải xin khất vì chưa lo liệu được việc Thánh. Cần nhớ đây là lễ xin khất chứ không phải xin từ bỏ căn vì người có căn trước sau gì cũng phải đến hầu Thánh mới yên. Người ta nói người có căn đồng không chống lại được số mệnh gắn bó với Thánh. Quan trọng là người có căn phải nhất tâm tin tưởng thì mới thành công và yên ổn trong vạn sự.

CHẦU VĂN

Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1996.
2. Bùi Đình Thảo, Hát Chầu văn, NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1996.
3. Ngô Đức Thịnh chủ biên, Hát văn, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1992.
4. Một số bài viết trên diễn đàn Văn hoá Phương Đông, Thế giới vô hình.


Tín ngưỡng thờ Mẫu – tín ngưỡng Tứ phủ, là tín ngưỡng bản địa đặc thù của người Việt bắt nguồn từ việc tôn thờ các vị thánh tượng trưng cho vũ trụ. Người ta gọi hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ là CHẦU VĂN. So với kinh phật của Đạo Phật, kinh thánh của Đạo Thiên chúa, kinh Co-ran của Đạo Hồi thì CHẦU VĂN của tín ngưỡng thờ Mẫu tuy chưa được tổng hợp và lưu giữ dưới dạng hệ thống kinh sách nhưng là nền tảng văn ngôn để thực thi tín ngưỡng Tứ phủ.

Chầu văn, còn gọi là Hát văn hay Hát bóng là giai điệu tín ngưỡng của người Việt. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các trung tâm của hát văn là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì Chính phủ cấm hầu đồng do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn lại có cơ hội phát triển khi Nhà nước ta khôi phục lại các giá trị văn hoá tinh thần cổ truyền phi vật thể của dân tộc.

Hát Chầu văn có ba kiểu là hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu). Hát thi dùng trong các cuộc đua tài thi hát và thường là hát đơn, chỉ một người hát. Hát thờ được hát trước ngày tiệc, ngày sóc vọng đầu rằm, mồng một, ngày tất niên. Tuy nhiên, hát thờ trước khi vào các giá lên đồng là một trong những phần quan trọng nhất của chầu văn. Hát lên đồng hay còn gọi là hát hầu bóng, dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của Chầu văn. Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông Đồng, bà Cốt. Trong nghi lễ đó, hát Chầu văn (hát thờ) phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi múa, các thánh thường ngồi nghỉ và nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác vỗ gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc nầy cũng là lúc thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu, thuốc lá, trầu nước v.v. thuộc loại tố hảo và đã được làm nghi thức khai cương (khai quang) cho thanh sạch.

Phục vụ hát Chầu văn có các thành viên sau: Cung văn – người hát chầu văn và dàn nhạc phụ vụ hát văn. Người ca sĩ được gọi là cung văn, thông thường là người vừa hát giỏi, vừa biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ. Dàn nhạc hầu bóng gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ (gọi là trống con), một cảnh đôi, một phách. Người ta có thể thêm bớt nhạc cụ này hoặc nhạc cụ khác tùy theo địa phương hoặc hoàn cảnh hành lễ và yêu cầu của người hành lễ. Trong các loại nhạc cụ kể trên, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi đóng vai trò nòng cốt. Đây là những nhạc khí cơ bản, không thể thiếu được vì chúng tạo nên tính cách riêng biệt và đặc thù của dàn nhạc hát văn. Những buổi hát thờ lớn thì thêm một cỗ trống lớn, chiêng, sáo và tiêu.

Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn phụ vụ hầu bóng có thể chia thành bốn phần chính: 1) Mời thánh nhập; 2) Kể sự tích và công đức; 3) Xin thánh phù hộ; 4) Đưa tiễn. Bài hát thường chấm dứt với câu: "Thánh giá hồi cung!".

Lời văn trong hát văn cũng phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bài văn hát thường xắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn tuy có vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng. Với tính chất này hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.

Hát văn là một hình thức hát trong khi ngồi đồng nên các làn điệu và lối hát cũng như độ dài của câu ca, tiếng nhạc đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc hầu đồng. Nếu như không khí, nhịp điệu trong ca trù thính phòng là êm đềm, réo rắt, trầm bổng thì trong hát văn ngược lại hẳn. Nó mang tính chất sôi nổi, kích động cộng với trống phách, thanh la rộn ràng làm cho buổi hầu đồng luôn trong không khí tưng bừng.

Mở đầu buổi lên đồng, cung văn hát điệu văn thờ, điệu này tiết tấu nhanh, gấp; sau đó khi Thánh đã nhập đồng thì hát văn hầu để ca ngợi công tích hay sự tích các thánh, sau đó chuyển hát dọc để kích thích khả năng thăng thoát của người ngồi đồng. Điệu này nhạc dồn dập, tưng bừng. Khi nhân vật đã nhập vai các thánh và “làm việc thánh” thì chuyển điệu còn là điệu thức cao hơn dọc một cung bậc. Tất nhiên khi người ngồi đồng vào vai thánh nào thì người hát phải chuyển giọng theo ngôi thánh đó cho phù hợp.

Hát văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng; thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn. Vì thế mà chỉ trong một thể hát thì cũng có nhiều dạng khác nhau: thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui, phú rầu để diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi như vậy, âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Đó là cách người cung văn thể hiện tài năng riêng của mình.

Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Nhưng trong các lễ hầu đồng, cả cung văn đánh nhịp (phách, cảnh, trống) cũng phải hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát, tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đàn nguyệt vừa hát. Do lễ thức này thường kéo dài, có khi tới 6 đến 8 tiếng đồng hồ nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho vẫn đảm bảo sự liền mạch của bài văn và âm nhạc. Nói vậy để thấy được sự đa năng của các nghệ nhân hát văn. Thời lượng diễn xướng của một ban nhạc hát văn là đặc điểm hết sức thú vị. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nói đến số lượng lớn nhất của một biên chế dàn nhạc thì người ta sẽ nghĩ ngay đến dàn nhạc cung đình. Thế nhưng nếu tính đến một cuộc diễn xướng "dài hơi" nhất thì có lẽ đó chính là dàn nhạc hát văn trong các lễ thức hầu đồng. Cho đến nay, đây vẫn được xem là một năng lực đáng nể của các cung văn trong giới nghệ nhân cổ nhạc.

Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca. Theo các nghệ nhân lão thành kể lại, trong nhiều trường hợp, 4 cung văn có thể cùng đồng ca thật ăn khớp. Xin độc giả nhớ lại một điều là hát văn là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền mang đậm tính ngẫu hứng, luôn tự thích nghi trong mọi trường hợp biến đổi về thời gian do quá trình tổ chức, thay quần áo, đạo cụ trong hầu đồng, không giống như hát theo một bản nhạc đã được ký âm và truyền giữ qua mọi thế hệ. Do tính ngẫu hứng về trường độ và cao độ, giai điệu và âm tiết của hát văn nên việc hát đồng ca tập thể là rất khó. Đây chính là một hiện tượng độc đáo trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói chung, trong đó, nhiều thể loại vốn luôn tồn tại dưới dạng ngẫu hứng của một nghệ nhân trên cơ sở nguyên bản. Nếu muốn đồng ca, các nghệ sĩ phải có sự tập luyện, phối hợp rất công phu để khi diễn xướng, sao cho tác phẩm chỉ xuất hiện dưới dạng một dị bản duy nhất. Điều đó có nghĩa các cung văn phải lập thành nhịp điệu từng câu, từng từ trong đường tuyến giai điệu thống nhất. Trong một bộ môn nghệ thuật đầy tính ngẫu hứng như hát văn, đây là điều không dễ thực hiện.

Về tiết tấu, hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo.

Về kỹ thuật thanh nhạc, nhìn chung, có hai phong cách hát điển hình trong nghệ thuật hát văn. Trước hết, đó là phong cách Hát văn Nam Định - lối hát không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nẩy hạt trong thanh nhạc cổ truyền. Hát văn Nam Định thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm của lối hát dân dã, khá phổ biến trên các miền thôn quê. Thứ hai là phong cách Hát văn Hà Nội, Hải Phòng - lối hát sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Cách ém hơi ở đây rất giống với Chèo hay Ca trù. Phong cách hát này thường được phổ biến ở chốn phồn hoa đô hội, nơi tập trung giới thức giả sành điệu.

Gắn liền với sắc màu tín ngưỡng của người Việt, hát văn đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng thánh và từng loại phủ. Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.
(Tiếp bài Chầu văn)

Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình - Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Đó chính là một phần quan trọng biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng. Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau.

Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn cùng các con nhang đệ tử như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu. Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ.

Tựu trung, Hát văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn.

• Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, được dùng để hát trước khi chính thức vào một bản văn thờ hoặc văn thi. Có 2 cách hát: Bỉ 4 câu và Bỉ 8 câu. Bỉ được lấy theo dây lệch, nhịp theo lối dồn phách.

• Miễu là lối hát rất nghiêm trang, đĩnh đạc, chỉ được dùng trong hát thi và hát thờ, tuyệt nhiên không bao giờ được dùng trong hát hầu. Miễu được lấy theo dây lệch, nhịp đôi.

• Thổng chỉ giành riêng cho văn thờ và văn thi, được lấy theo dây bằng, nhịp ba.

• Phú Bình dành riêng cho hát văn thờ, rất đĩnh đạc, và dùng để hát ca ngợi các nam thần. Phú Bình được lấy theo dây lệch, nhịp 3.

• Phú Chênh là lối hát buồn, thường dùng để hát trong những cảnh chia ly. Được lấy theo dây bằng, nhịp 3.

• Phú nói thường dùng để mô tả cảnh hai người gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Dùng trong hát văn thờ, văn thi và cả trong hát hầu. Lấy theo dây bằng, nhịp ba hoặc không có nhịp mà chỉ dồn phách.

• Phú rầu là lối hát rất buồn, được lấy theo dây bằng nhưng hát theo nhịp đôi.

• Đưa thơ được lấy theo dây bằng, nhịp 3 và dồn phách, nhưng chủ yếu là dồn phách.

• Vãn lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất lục bát, hát theo lối vay trả - hát vay của câu trước rồi trả lại trong câu sau.

• Dọc lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất - lục bát và hát theo nguyên tắc vay trả. Nếu hát từng câu thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câu song thất - lục bát thì gọi là "Dọc gối hạc" hay "Dọc nhị cú".

• Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết là hát kiểu dây lệch cho phép biến hóa giai điệu.

• Hãm lấy theo dây bằng, nhịp đôi, đây là lối hát rất khó vì phải hát liền song thất lục bát. Trong lối hát này có một tuyệt chiêu là Hạ Tứ Tự, có nghĩa là mượn bốn chữ của câu sau, khi sang một câu mới thì lại trả lại bốn chữ ấy.

• Dồn được lấy theo dây bằng, nhịp 3.

Trước hết, cần phải thấy rằng với hệ thống kỹ thuật biểu hiện phức tạp, nghệ thuật Hát văn đã đạt tới tầm cao của một thể loại chuyên nghiệp trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Nó chỉ có thể tồn tại và bảo lưu bởi phương thức truyền nghề tự giác với mối quan hệ mang tính chuyên nghiệp giữa thầy và trò. Kèm theo đó là một hệ thống "trường lớp" dân gian - những lò đào tạo in đậm tính gia truyền.Sự điêu luyện mang tính nhà nghề của một cung văn mẫu mực có vai trò đặc biệt quan trọng trong nghệ thuật hát văn. Trong lịch sử Hát văn, có thể dễ dàng tìm thấy ở những trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ những phả hệ nghệ nhân hát văn khá đồ sộ. Với sức hấp dẫn và lan tỏa khá mạnh, những lò đào tạo cung văn đó dần hình thành cả một tầng lớp nghệ nhân nhà nghề. Ngày nay, một số ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp trong các trường nghệ thuật dân tộc đã tiếp nối thực hành sự nghiệp hát văn của các bậc nghệ nhân xưa. Trên nẻo đường hành nghiệp, các nghệ nhân hát văn đã tạo ra một mối quan hệ giao lưu khăng khít và gắn bó mang tính chuyên nghiệp trên khắp các vùng miền của tín ngưỡng Tứ phủ.

Từ bao đời nay, Hát văn vốn luôn được biết đến như một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc. Trải theo thời gian, dù đã được đưa lên sân khấu biểu diễn với nội dung lời ca mới nhưng nghệ thuật Hát văn vẫn tồn tại nguyên vẹn chức năng thực hành xã hội khởi thủy của nó. Có nhiều giả thiết về sự ra đời của hát văn. có ý kiến cho rằng hát văn bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử, thủ nhang đồng đền và đặc biệt là các thầy cúng chuyên khấn những bài khấn tứ phủ. Để cho dễ nhớ họ đã khấn bằng những bài văn lục bát và sau này thành những lời ca trong điệu chầu văn. Có giả thiết cho rằng hát văn ra đời từ việc thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Gắn liền với tín ngưỡng Tứ phủ, Hát văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa một thể loại âm nhạc và một hình thức tín ngưỡng. Nghệ thuật âm nhạc dường như là một thứ phương tiện không thể thiếu khi con người muốn giao tiếp với thánh thần. Muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu thì tìm hiểu về Hát văn là điều hết sức cần thiết. Ngược lại, khi tìm hiểu Hát văn chúng ta cũng nên tìm hiểu về thần tích, thần phả các vị thánh. Nghe những bản văn, ta rất dễ nhận biết sự tích của các vị thánh cũng như những phong cảnh nơi các ngài giá ngự và hiển thánh. Vì thế không thể không có hát văn trong nghi lễ hầu thánh.

Nghe hát văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh; cảm nhận được rằng khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát văn. Hiện thực sống động đó khiến cho âm nhạc Hát văn nhiều khi mang dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn hơn là âm nhạc của tín ngưỡng. Sức quyến rũ của Hát văn chính là một lực hấp dẫn đặc biệt quan trọng, thu hút công chúng đến với tín ngưỡng Tứ phủ. Sức hấp dẫn, quyến rũ của nó đã được minh chứng trong nhiều giai thoại lịch sử. Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu chung của con người khi tìm đến với cõi tâm linh thì sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, thụ cảm nghệ thuật âm nhạc được đẩy vọt lên tầm cao nhất khi thưởng thức hát văn trong khung cảnh hầu bóng. Nói cách khác, nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lý, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo để xoa dịu nỗi đau của con người thì tín ngưỡng Tứ phủ lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc hát văn làm công cụ đắc lực. Điều này lý giải tại sao âm nhạc Hát Văn lại đạt tới tầm cao về sự phát triển, tính thẩm mỹ của một thể loại nghệ thuật biểu diễn. Và, cũng thật dễ hiểu khi chúng ta tìm thấy trong Hát văn những thành tố âm nhạc tương đồng với các thể loại âm nhạc biểu diễn khác như Chèo, Tuồng, Ca trù, Quan họ, Hát Xẩm... Từ đó, có thể hiểu được tại sao Hát văn lại dễ dàng được chấp nhận khi nghệ thuật âm nhạc này được sân khấu hóa trong nửa cuối thế kỷ XX.

Việc sưu tầm và nghiên cứu các thể loại âm nhạc cổ truyền của người Việt là một đóng góp khoa học quan trọng vào công việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Còn nhiều vấn đề về mặt âm nhạc của loại hình Hát văn chưa được chú ý tới. Đặc biệt, hệ thống bài bản và nguyên tắc kỹ thuật nhạc hát, nhạc đàn kèm theo khối lượng tư liệu ghi chép (sánh ký âm, thiết bị lưu trữ tiếng, hình) của Hát văn vẫn chưa được khai thác triệt để. Sau một thời gian dài bị kiểm tỏa vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay, môi trường diễn xướng của loại hình này đã được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân (cung văn) mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Phần vì thiếu lòng tin bởi sự ám ảnh của quá khứ, phần vì muốn “dấu nghề” do áp lực của cơ chế thị trường, nên phần lớn các cung văn lớp kế cận đang hành nghề hiện nay đều chỉ nắm giữ được một phần những giá trị của truyền thống. Thậm chí, “hát sai, đàn dở” cũng vẫn hành nghề được bởi mặt bằng tri thức của người nghe về loại âm nhạc này là rất thấp. Sự thẩm định với những chuẩn mực nhà nghề dường như chỉ có ở một số nghệ nhân lão thành cuối cùng. Điều đó cũng có nghĩa là hiện nay, có rất ít người "biết nghe" Hát văn thực thụ.

Thay cho lời kết, xin được bộc bạch rằng, sẽ không nói quá nếu Hát văn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Hy vọng rằng, đây cũng là tâm nguyện của nhiều người là “con công, đệ tử của nghệ thuật HÁT CHẦU VĂN”.

Nguồn: chưa rõ