Monday, July 3, 2017

Giới thiệu về Ngũ chi Minh đạo và Minh sư đạo tại Việt Nam


         Ngũ chi Minh đạo là năm ngành đạo cùng gốc với Minh Sư gồm: Minh Sư, Minh Lý, Minh Đường, Minh Thiện, Minh Tân. Minh Sư có nguồn gốc từ môn phái Phật Đường của Phật giáo Thiền tông Trung Quốc; sau đời Tổ Huệ Năng (638-713), Phật giáo Thiền tông Trung Quốc bị đình đốn, đến cuối thế kỷ thứ VIII được Đạo Nhất và Bạch Ngọc chấn hưng với tên gọi: Phật Đường.
           Môn phái Phật Đường chỉ tồn tại một thời gian ngắn, nguyên nhân do việc đàn áp của vua Hiển Đức nhà Chu; bị đứt đoạn tám trăm năm, đến cuối nhà Minh, vào năm Thiên Khải thứ 3 (1623) môn phái Phật Đường tiếp tục được chấn hưng nhờ công của Hoàng Đức Duy. Tuy nhiên, nó chỉ hưng thịnh một thời gian ngắn, đến khi người Mãn Châu phía Bắc tràn vào diệt nhà Minh lập nên nhà Thanh.
Phật Đường là một môn phái mang đậm tính tôn giáo cứu thế theo tinh thần Tam giáo: Thờ Phật, Tu Tiên, sinh hoạt theo Nho Giáo. Giáo lý có hai phần đốn giáo và tiệm giáo; phần đốn giáo với chủ trương phổ độ chúng sinh, phần tiệm giáo đề cao thuyết Di Lạc, tạo niềm tin, sự trông chờ về một đấng Minh Vương cứu thế.
Khi nhà Minh bị lật đổ, lúc bấy giờ có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại nhà Thanh, có nhiều người đã mượn hình thức tôn giáo và nhất là những tôn giáo có tư tưởng cứu thế để tập hợp lực lượng chống nhà Thanh, điển hình là phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1850-1864) mượn tư tưởng của Ki Tô giáo; đạo Minh Sư và tổ chức Thiện Địa hội mượn tư tưởng của Phật Đường. Minh Sư bộc lộ tư tưởng Phục Minh bài Thanh, nhưng vẫn giải thích rằng Minh Sư là Người Thầy sáng suốt.
Minh Sư được củng cố với ý định Phục Minh Bài Thanh, triều đình nhà Thanh đã nhiều lần đàn áp nên có một bộ phận tín đồ theo dòng người Hoa ra hải ngoại; sau Thái Bình Thiên Quốc, Minh Sư bị dồn về Hoa Nam (trung tâm của phong trào Phục Minh Bài Thanh).
Đạo Minh Sư trong quá trình phát triển ở Việt Nam đã hình thành các chi nhánh khác là: Minh Đường, Minh Thiện, Minh Lý, Minh Tân, quen gọi là Ngũ chi Minh đạo .
* Chi Minh Đường: Nhiều sách đã viết và cũng theo tác giả Đồng Tân trong sách Lịch sử đạo Cao đài, quyển 2 cho rằng Minh Đường là tên rút gọn của Minh Sư Phổ Tế Phật Đường; được hình thành khoảng năm 1908 với một cơ sở duy nhất là Vĩnh Nguyên Tự tại Cần Giuộc do ông Lê Văn Lịch đứng đầu; về tôn chỉ, pháp tu, kinh kệ, phẩm trật của Minh Đường đều tương tự Minh Sư.
* Chi Minh Thiện: Vào năm 1915, một nhóm người chịu ảnh hưởng của Minh Sư như Trần Phát Đạt, Trần Duy Khánh, Lê Văn Hơn, Phan Văn Tý, Lê Ngọc Lăng… thường gặp nhau và tổ chức cầu cơ ở chùa Quan Đế tên là Thanh An Tự (Thủ Dầu Một) để xin thuốc chữa bệnh và đã lập ra một chi mới của Minh Sư lấy tên là Minh Thiện (chi Minh Thiện chỉ có một cơ sở ở Thủ Dầu Một).
* Chi Minh Lý: Được hình thành khoảng năm 1924 trong một buổi cầu cơ tại gia đình ông Âu Minh Chánh, người gốc Minh Hương (tên gọi người Trung Quốc ở Việt Nam) tại Sài Gòn với sự tham gia của các ông Nguyễn Văn Miết, Nguyễn Văn Xưng, Võ Văn Thạch, Nguyễn Văn Đề, Lê Văn Ngọc… sau một thời gian mượn chùa Linh Sơn Tự của sư Thiện Chiếu để hành đạo, năm 1926 ông Âu Minh Chánh và những người sáng lập đã xây dựng cơ sở riêng lấy tên gọi là Tam Tông Miếu tại Sài Gòn (chi Minh Lý chủ trương dùng sách và cầu cơ bằng chữ quốc ngữ).
* Chi Minh Tân: Được lập ra năm 1928 do ông Lê Minh Khá, xã trưởng Vĩnh Hội (Sài Gòn) kiêm hoạt động doanh nghiệp sau hai lần lên chùa Minh Thiện ở Thủ Dầu Một hầu cơ xin thuốc chữa bệnh. Cơ sở của Minh Tân là Tam Giáo Điện Minh Tân, địa chỉ 221 Bến Vân Đồn (Sài Gòn).
Mặc dù chia thành các chi nhánh nhưng tôn chỉ, sự thờ phụng, kinh kệ, phẩm trật tu hành… của các chi Minh Đường, Minh Thiện, Minh Lý, Minh Tân đều giống như Minh Sư. Tất cả đều thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Diêu Trì Kim Mẫu, Thờ Phật Thích Ca, Khổng Tử và các bậc Thánh nhân; người tu Ngũ chi Minh đạo giữ Ngũ giới cấm theo Phật giáo, ăn chay trường, tịnh luyện và tuyệt dục.
* Minh Sư tại Việt Nam: Kim Tổ Sư là vị truyền thừa thứ 16 tại Trung Quốc, phân công cho Trưởng lão Đông Sơ sang Việt Nam (Trưởng lão Đông Sơ tức Trương Đạo Dương (1835-1879) người Triết Giang, tu hành tại Triều Nguyên Động, La Phù Sơn, tỉnh Quảng Đông). Ngài lập tại Cầu Kho (Chợ Lớn) một Phật Đường gọi là Chiếu Minh Phật Đường. Sau này, Ngài trở về Trung Quốc rồi lại sang Thái Lan truyền đạo; trên đường từ Thái Lan về Trung Quốc, Ngài định ghé Chợ Lớn, nhưng trước tình hình ba tỉnh miền Đông bị Pháp chiếm, Ngài ghé qua Hà Tiên (thời gian đó là năm Quí Hợi -1863), Ngài lập ở Hà Tiên ngôi Phật Đường lấy tên là Quảng Tế Phật Đường.
Sau khi lập Quảng Tế Phật Đường, số bổn đạo Minh Sư phát triển ngày càng đông. Ngài Lão sư Ngô Cẩm Tuyền xây xong chùa Ngọc Hoàng tại số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn vào năm 1900. Do hoàn cảnh khách quan, chùa Ngọc Hoàng chuyển qua chùa Phật, Ngài Ngô Cẩm Tuyền lập một Phật Đường khác vào năm 1920 tại số 17 Trần Quang Khải, quận 1, Sài Gòn lấy tên là Quang Nam Phật Đường.
Những ngôi chùa Minh Sư đầu tiên được xây dựng chủ yếu thu hút người Minh Hương; với tư tưởng cứu thế theo tinh thần Tam giáo và có những hình thức sinh hoạt tôn giáo gần gũi với người Việt Nam; khẩu hiệu Phục Minh bài Thanh đã đổi thành Phục Nam bài Pháp tại nước ta, nên trong thời gian ngắn Minh Sư đã có ảnh hưởng tới cộng đồng người Việt ở Nam Bộ.
Đạo Minh Sư hoạt động mạnh và phát triển trên 50 Phật Đường từ Bắc tới Nam, gồm 3 tông phái:
Phái Đức Tế: có Tổ đình Quang Nam Phật Đường, số 17 Trần Quang Khải, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Phái Phổ Tế: có Tổ đình Linh Quang Tự ở Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Phái Hoằng Tế: có Tổ đình Long Hoa Phật Đường ở Cai Lậy, Tiền Giang.
Trong quá trình hình thành và phát triển ở Việt Nam, đạo Minh Sư hướng dẫn bổn đạo nhơn sanh tu hành, tự độ độ tha, góp phần phục vụ dân tộc, xây dựng hòa bình an lạc cho Tổ quốc và nhiều hoạt động gắn bó với xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều Phật Đường của Minh Sư là cơ sở cách mạng, làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ… tiêu biểu là Đại Lão sư Nguyễn Giác Nguyên trụ trì chùa Nam Nhã Phật Đường được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng; chùa Nam Nhã Phật Đường đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Về Giáo lý, Giáo luật, Nghi lễ:
- Về Giáo lý: Quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của Minh Sư.
Minh Sư đạo chia thế giới thành ba cõi: Thượng giới, Trung giới và Hạ giới; Hạ giới là cõi âm phủ, Trung giới là thế giới loài người, Thượng giới là cõi trời. Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị chủ tể ngự trị ở cõi trời, nhưng quyền năng chưởng quản hai thế giới còn lại. Còn chư Phật và các vị Bồ Tát ở cõi Tây Phương, các vị Thần Tiên ở cõi Bồng Lai.
Giáo lý cứu thế mang tính căn bản nhất là thuyết chia thời gian thành ba kỳ tức Tam nguyên; Thượng nguyên tức giai đoạn đầu có 12 Hội, Trung nguyên là giai đoạn giữa có 12 Hội, Hạ nguyên là giai đoạn cuối có 12 Hội; mỗi Hội thời gian là 10.800 năm.
Thượng nguyên tức Diêu Trì Kim Mẫu bắt đầu tạo lập trời đất; lúc bấy giờ có 96 ức Nguyên nhân (Linh căn) xuống trần, đến nay đã trải qua đời Thượng nguyên, Trung nguyên và sắp hết đời Hạ nguyên mà chỉ có 4 ức Nguyên nhân trở về với mẹ. Như vậy còn 92 ức Nguyên nhân, số lượng quá nhiều, đang chìm trong biển trầm luân, đời mạt kiếp sắp tới, Bồ Tát Di Lạc sẽ xuống trần lập Hội Long Hoa, tế độ tất cả các Linh căn đó.
Minh Sư giải thích cách tạo lập vũ trụ theo dịch lý: Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Ngũ hành, Ngũ hành cấu tạo nên vạn vật.
+ Chùa Minh Sư có hai chữ Phật Đường sau tên chùa, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tam giáo (Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Khổng Tử, Đức Thái Thượng Lão Quân) và chư Phật; trước điện thờ có vòng Vô Cực và ngọn đèn Nhiên Đăng ở tâm vòng tròn, phía dưới là bình thủy.
+ Tôn chỉ, mục đích là tự tu, tự độ, tự tha thuần túy tu hành, tu chơn giải thoát, nhằm hiệp nhất tinh hoa của ba nền tôn giáo lớn Nho - Thích - Đạo để tìm lại cội gốc là Đạo (Qui nguyên Tam giáo).
- Về Giáo luật:
+ Đạo phục của Minh Sư biểu hiện qua 3 hình thức:
Lễ phục (Càn đạo) là sắc phục của tu sỹ, tín đồ khi hành lễ bái, áo dài màu đen (tay rộng), quần trắng, chít khăn đóng hoặc mũ màu đen, mang hài vải màu đen hoặc vớ bao chân. Nữ phái đầu đội khăn vuông (không được để đầu trần), chân mang hài vải màu đen hoặc vớ; khi hành lễ từ bậc Sám hối trở lên phải mặc áo rộng màu đen, quần trắng (cả nam và nữ).
Giáo phục là áo dài màu đen tay chẹt dùng cúng lễ ở hậu đường và khi tiếp khách.
Thường phục là phục sức thông thường giản dị, vẫn giữ được sắc thái, được áp dụng chung cho tu sỹ, tín đồ và thiện nam tín nữ.
+ Pháp tu Minh Sư rất nghiêm, tín đồ khi nhập môn vào đạo đều ăn chay trường, tuyệt dục, tuân thủ giới luật.
+ Minh Sư đạo chia ra hai thành phần trong Giáo hội:
Thành phần giáo phẩm (xuất gia tu Phật, trường trai cấm giới) gồm Thiên ân, Chứng ân, Dẫn ân, Bảo ân, Đảnh hàng, Bổ thiệt, Thập địa, Thái Lão sư đã được Giáo hội tấn phong.
Thành phần đại chúng (tại gia tu Phật) gồm có thiện nam, tín nữ trọn đời vì đạo cầu sám hối, nhất bộ, nhị bộ, tam bộ được gọi là tu sỹ, những nam nữ cầu qui y hộ đạo, chưa được thọ giới luật của hàng tu sỹ gọi chung là tín đồ.
+ Cấp tu trong Minh Sư đạo gồm ba bậc:
Bậc Thượng thừa: Thái Lão sư (Tổ sư), Thập Địa Lão sư (Đại Trưởng lão), Bổ Thiệt Lão sư (Đại Lão sư), Đảnh hàng Lão sư (Trưởng lão).
Bậc Trung thừa: Bảo ân, Dẫn ân, Chứng ân, Thiên ân.
Bậc Hạ thừa: Tam bộ, Nhị bộ, Nhất bộ, Sám hối (ăn chay trường, giữ giới đạo), Quy y Hộ đạo (ăn chay kỳ).
Nữ phái chỉ cầu đạo trong phạm vi hai bậc là Hạ thừa và Trung thừa (phẩm cao nhất là Bảo ân). Nữ phái ở phẩm Thiên ân, Chứng ân, Dẫn ân được gọi bằng Cô; phẩm Bảo ân được gọi bằng Cô Thái (đồng chơn xuất gia) hoặc Bà Thái (bán thế xuất gia).
Trong Giáo hội bắt buộc người tu phải ăn chay trường, giữ giới luật Đạo pháp, trải qua các khóa sơ thừa của bậc Sám hối.
- Về Nghi lễ:
+ Thờ tự: Tại chánh điện, gian giữa thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Thích Ca Mâu Ni; bên trái thờ Đức Khổng Tử, bên phải thờ Đức Thái Thượng Lão Quân.
Gian bên trái thờ các vị Tổ sư, Tiên sư.
Gian bên phải thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, Cửu Huyền Thất Tổ, Vong linh bá tánh.
Bên dưới chánh điện có bàn thờ Thần Hoàng bổn cảnh, Thổ địa.
Gian giữa đối diện thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là bàn thờ Hộ Pháp Long Thần.
+ Hàng ngày tại các Phật Đường cúng tứ thời: 6 giờ (sáng), 11 giờ (trưa), 18 giờ (chiều), 23 giờ (tối); hàng tháng cúng Sóc, Vọng; hàng năm có các ngày lễ: mùng 9 và mùng 10 tháng giêng âm lịch, rằm tháng giêng âm lịch, 19 tháng 2 âm lịch, 8 tháng 4 âm lịch, 29 tháng 4 âm lịch…
+ Lễ phẩm: dùng đồ chay, hương đăng hoa quả phẩm, cơm nước; nghiêm cấm dùng rượu, các sản phẩm có nguồn gốc động vật, không dùng ngũ vị như hành, hẹ, nén, kiệu…
+ Kinh sách tu học: kinh Di Đà, kinh Hồng Danh, kinh Phổ Môn, kinh Địa Tạng, kinh Thiện Môn Nhật Dụng, Ngọc Hoàng kinh, Địa Mẫu kinh, Minh Thánh kinh, Thanh Tịnh kinh, Khổng Tử Tâm kinh, Ba La Mật kinh, Cảm ứng Thiên kinh, Liên Hoa Bửu Sám kinh, kinh Cứu Khổ, kinh Thiên Ngươn, kinh Bắc Đẩu…
Về hệ thống tổ chức:
Hệ thống tổ chức hành chính Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư đạo gồm:
+ Cấp Trung ương: Hội đồng Trưởng lão và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội.
+ Cấp địa phương: Ban Trị sự (hoặc Ban Nghi lễ) Phật đường.
Hội đồng Trưởng lão là cơ quan tối cao của nền đạo, số lượng gồm 10 vị Lão sư được Đại hội Đại biểu Minh Sư toàn đạo suy tôn và tại vị suốt đời, có nhiệm vụ chăm lo về Đạo pháp.
Ban Trị sự Trung ương Giáo hội gồm 15 - 19 hội viên từ phẩm Thiên ân trở lên, nhiệm kỳ 5 năm; có nhiệm vụ lãnh đạo, thay mặt cho Giáo hội chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước, trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của Giáo hội.
Ban Trị sự (Ban Nghi lễ) Phật Đường gồm 3 - 5 vị, nhiệm kỳ 5 năm; có nhiệm vụ giúp vị Trụ trì điều hành các hoạt động của Phật Đường.
Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư đạo (gọi tắt là Minh Sư đạo) đã được công nhận tổ chức giáo hội năm 1920 và hệ thống tổ chức từ Trung ương tới cơ sở, có hàng vạn chức sắc, tín đồ và gần 100 chùa hoạt động trên 20 tỉnh, thành phố.
Hiện nay, Minh Sư đạo có 53 Phật Đường hoạt động ở 18 tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Kiên Giang, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An) với 300 chức sắc, hơn 1.262 chức việc và trên 11.224 tu sĩ, tín đồ. Tổ đình của Minh Sư đạo đặt tại Quang Nam Phật Đường, số 17 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư đạo được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo ngày 17 tháng 8 năm 2007 và công nhận hoạt động ngày 01 tháng 10 năm 2008./.
Nguyễn Ngọc Huấn -Chuyên viên Vụ Cao đài
Nguồn: Ban tôn giáo chính phủ.

Sunday, January 25, 2015

Các phím tắt trong Windows 8

Windows - Nhấn phím Windows để chuyển đổi giữa màn hình Start Screen và các ứng dụng đang chạy hoặc màn hình Desktop.
Windows + B - Chuyển sang màn hình Desktop và hiển thị thông báo ở khay hệ thống (góc dưới bên phải màn hình).
Windows + C - Hiển thị thời gian và thanh công cụ Charm Bar bên cạnh phải màn hình.

Windows + E - Chuyển sang màn hình Desktop và chạy ứng dụng quản lý tập tin Windows Explorer.
Windows + F - Kích hoạt công cụ tìm kiếm tập tin.
Windows + H - Kích hoạt công cụ chia sẻ tài nguyên (Share).
Windows + I - Hiển thị màn hình cài đặt (Settings).

Windows + L - Khóa máy. Nhấn một phím bất kỳ để vào lại Windows. Nếu có đặt mật khẩu thì phải nhập đúng mật khẩu mới vào Windows được.
Windows + P - Lựa chọn hiển thị trên các màn hình khác nếu có.
Windows + Q - Tìm kiếm các chương trình ứng dụng đã được cài đặt.
Windows + R - Chuyển sang màn hình Desktop và hiển thị hộp thoại Run.
Windows + U - Chuyển sang màn hình Desktop và hiển thị cửa sổ Ease of Access Center.
Windows + T - Chuyển sang màn hình Desktop và xem nhanh nội dung của một cửa sổ thu nhỏ trên Taskbar (giống y chang khi ta rê chuột vào logo 1 phần mềm trên thanh taskbar, 1 cửa sổ preview nho nhỏ sẽ thò ra)
Windows + X - Hiển thị menu truy cập vào các công cụ quản lý hệ thống.


Windows + Z - Hiển thị thanh công cụ ứng dụng All Apps.
Windows + Print Screen - Chụp ảnh màn hình, hình ảnh sẽ được lưu tại thư mục Libraries -> Pictures

Windows - Chuyển đổi giữa màn hình Start Screen và các ứng dụng đang chạy hoặc màn hình Desktop.
Windows + 1, Windows + 2,... - Chạy các ứng dụng nằm trên thanh tác vụ (Taskbar) theo thứ tự từ trái sang phải. Thí dụ Windows + 1 sẽ chạy ứng dụng đầu tiên bên trái (internet Explorer), Windows + 2 sẽ chạy ứng dụng kế tiếp (Windows Explorer),...


Thursday, May 27, 2010

Giải thích hệ thống tượng Phật ở trong Chùa

Chính điện chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội)
Lớp trên cùng: Tam thế Phật. Lớp thứ hai: Bồ tát Đại thế Chí - Phật A Di đà - Bồ tát Quan Âm. Lớp thứ ba: Ananda - Phật Thích Ca - Ca diếp. Lớp thứ 4: Cửu Long và hai vị Đại Thiên Vương


Tác giả: Tuệ Minh Đạo

Ở Việt Nam ta, các chùa đều thờ Phật, thờ Tổ, có nơi còn thờ thêm Thánh. Nhờ Phật độ nên mỗi năm tôi về Việt Nam một lần, mà lần nào tôi cũng đi từ Nam ra Bắc. Hầu hết thời gian tôi đều dành cho việc đi tham quan các chùa, do đó tôi thấy cách bài trí các tượng Phật, Bồ-tát luôn luôn có công thức và ý nghĩa rõ ràng. Thế nhưng, vì xưa nay không có sách vở nào ghi chép cho tinh tường, do đó người ta mỗi khi bước chân vào chùa thì không phân biệt được pho tượng nào biểu trưng cho vị nào. Nay ta muốn biết rõ, trước hết phải phân biệt tượng thờ chư Phật, tượng thờ chư Bồ-tát. Dưới đây tôi chỉ giải thích vấn đề nêu trên, không giải thích về sự thờ Thánh của một số chùa ở Việt Nam.

Trong chánh điện thờ Phật, triết lý vô thường của Phật giáo được đặt lên hàng đầu thể hiện qua tam thân Phật là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Cách bài trí các tượng Phật ở chánh điện theo đúng ý nghĩa ấy, cho nên ở lớp trên cùng là thờ Pháp thân Phật, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ. Ở lớp thứ hai thờ Báo thân Phật, tức là thờ thọ dụng trí tuệ Phật ở cõi Cực Lạc. Ở lớp thứ ba là thờ Ứng thân Phật, tức là thờ Phật đã hoá hiện ra xác thân ở trần thế. Lớp thứ 4 là lớp tượng Di lặc Bồ-tát và hai vị Phổ Hiền Bồ-tát và Văn thù Bồ-tát đứng hai bên, thường gọi là bộ tượng Di Đà Tam tôn. Lớp thứ năm trở xuống thường có tượng đức Phật tu khổ hạnh ở chân núi Tuyết Sơn, tượng đức Phật nhập Niết bàn và đức Phật đản sanh.

Vậy cách bài trí các tượng ở chánh điện từ trên xuống dưới theo thứ tự sau đây:

A) Tượng Tam thế Phật: Lớp trên cùng, ở chỗ giáp vách phía trong, có ba pho tượng để ngang một dãy, hình dáng giống nhau, tức là tượng “Thường trụ tam thế diệu pháp thân", người ta thường gọi tắt là tượng Tam thế Phật; nghĩa là Phật thường trụ, trong thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai.

B) Tượng Di-Đà tam tôn: Lớp thứ hai có ba pho tượng lớn, pho tượng ngồi giữa là pho tượng đức A Di Đà Phật, tức là Thọ dụng trí tuệ thân, pho tượng đứng bên tả là tượng đức Quan Thế Âm Bồ-tát, pho tượng đứng bên hữu là tượng đức Đại Thế Chí Bồ-tát. Đức Phật và hai Bồ-tát ấy ở Tây phương Cực Lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh ở cõi Sa-bà qua cõi Cực Lạc.

C) Tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh: Lớp thứ ba có ba pho tượng lớn, pho tượng lớn ngồi giữa là tượng Thích-ca Mâu-ni Phật, tức là Ứng thân hay là biến hóa thân, giáng sinh xuống trần thế, tu thành chính quả và thuyết pháp độ chúng. Pho tượng ở bên phải, hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng Đức Văn-Thù Bồ-tát; pho tượng ở bên hữu, hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con voi trắng là tượng Đức Phổ-Hiền Bồ-tát, theo thuyết nói trong Hoa Nghiêm kinh.

Ở lớp thứ ba ấy, có nhiều chùa thờ tượng đức Thích-ca Mâu-ni ngồi cầm hoa sen, như khi Ngài thuyết pháp ở núi Linh Thứu; bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn giả, vẻ mặt già, bên hữu là tượng A-Nan-Đà Tôn giả, vẻ măt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích-ca khi Ngài còn ở thế-gian. Tượng hai vị Tôn giả ấy đều tạc đứng, mang hình dáng hai thầy tỳ-kheo.

D)- Tượng Di Lặc: Lớp thứ tư, ở giữa là tượng Bồ-tát Di Lặc,vị Phật tương lai. Hai bên (nếu có) là hai vị Đại Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền. Trong trường hợp này, ở lớp thứ ba, hai bên tượng đức Bổn sư không phải là hai vị Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền nữa mà là hai vị đại đệ tử Ca-diếp và A-nan-đà.

E) Tượng Cửu Long: Lớp thứ năm có pho tượng Cửu Long để giữa. Tượng này theo điển tích nói khi đức Thích-ca Mâu-ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho Ngài tắm, đoạn Ngài đi bảy bước, tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn - Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là quí hơn cả”. Bởi vậy tượng Cửu-long làm chín con rồng vây bọc chung quanh một pho tượng nhỏ đang chỉ một tay lên trời một tay xuống đất, đó là tượng Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật lúc sơ sanh. Bên tả tượng Cửu Long có tượng Đế Thích ngồi ngai, mặc áo đội mũ Hoàng Đế, bên hữu có tượng Đại Phạm Thiên cùng một kiểu như pho tượng Đế Thích, đó là theo điển nói hai vị Đại Thiên Vương này chủ tể ở cõi sa-bà thế-giới và lúc nào cũng hộ trì đức Thích Ca khi Ngài chưa thành Phật.



Hệ thống tượng như trên thường có mặt ở trong hầu hết các chùa có quy mô nhỏ và vừa. Những chùa có quy mô lớn, thường có kiểu mặt bằng nội công ngoại quốc thì được bày thêm các lớp tượng sau:

F) Tượng Tứ Thiên Vương: Ở ngoài tượng Cửu Long để bốn pho tượng Tứ Thiên Vương mặc Vương phục, bày làm hai dãy đối nhau, tức là bốn vị hộ thế gian.

G) Tượng tứ Bồ-tát: Có chùa bỏ tượng Tứ Thiên Vương mà bày tượng bốn vị Bồ-tát, tạc hình Thiên thần gọi là Ái Bồ-tát, tay cầm cái tên; Sách Bồ-tát, tay cầm cái cây; Ngũ Bồ-tát, tay cầm cái lưỡi; Quyền Bồ-tát tay nắm lại và để vào ngực.

H) Tượng Kim Cương bát bộ: Có nhiều chùa tạc 8 vị Kim Cương, là thần tướng trên trời, thường gọi là Bát Bộ Kim Cương, gồm có:

1) Thanh Trừ Tài Kim Cương
2) Tích Độc Thần Kim Cương
3) Hoàng Tuỳ Cầu Kim Cương
4) Bạch Tĩnh Thủy Kim Cương
5) Xích Thanh Hoả Kim Cương
6) Định Trừ Tai Kim Cương
7) Tử Hiền Kim Cương
8) Đại Thần Lực Kim Cương.

Bốn vị Bồ-tát và Tám vị Kim Cương này, theo điển tích ở trong các kinh thì có nhiều thuyết khác nhau, xong đại ý là nói những bậc thần đã phát Bồ-đề Tâm, đem thần lực mà hộ trì Phật Pháp.

Tuy nhiên, cách bố trí các tượng thờ không phải nhất nhất theo đúng bố cục trên, thực tế mỗi chùa tuỳ theo hoàn cảnh mà có sự sai khác, đó là chưa nói đến sự khác nhau giữa các miền Bắc-Trung-Nam. Miền bắc thờ thêm nhiều Thánh, hệ thống tượng thờ vì thế trở nên phức tạp; miền Trung nói chung là rất đơn giản và thuần tuý; miền Nam thì có sự gặp gỡ giữa các miền.

Nguồn: Tập san pháp luân


Monday, March 8, 2010

Chùa Phước Hải


Chùa Phước Hải nằm ở xã Phước Thái, huyện Châu Thành, Đồng Nai. Đi qua Vedan, rồi rẽ vào khu công nghiệp, chạy tuốt xuống dưới sẽ thấy. Theo thông tin mình tìm được trên mạng, chùa này rộng 3 mẫu (Mẫu Nam bộ, một mẫu gần bằng 13.000m2).
Quen đi ở thành phố, chùa nhỏ nhỏ, lúc mới tới mình choáng ngợp vì chùa quá rộng. Chùa có bãi để xe cho xe ô tô của phật tử, có nhiều nhà chòi bên trong có giường để phật tử nghỉ ngơi.
Gian chánh điện của chùa nhỏ, có lẽ vẫn giữ nguyên từ hồi mới xây. Giống như nhiều chùa, ngay cửa chánh điện có tượng phật Di lặc. Trong chánh điện, hàng trên là Phật thích ca, một bên là Bồ Tát Quan Âm, một bên là Địa tạng vương Bồ tát. Hàng dưới thì mình chỉ biết 2 tượng, một bên là Chuẩn đề Bồ tát, một bên là Phật bà nghìn mắt nghìn tay.
Phía sau chùa, có một ban thờ, đặt tượng Chuẩn đề Bồ tát, trước ban thờ có 2 bàn, trên đặt rất nhiều đèn cầy (nến) ly. Tò mò, mình nhìn kỹ thấy trên mỗi ly có dán một miếng băng dính giấy, trên có ghi tên người. Hỏi ra mới biết người ta làm lễ cầu an.
Chùa Phước Hải còn có một cái tên dân dã hơn, đó là "Chùa bún riêu". Gọi vậy, là vì chùa có nấu bún riêu đãi mọi người miễn phí. Nghe nói những ngày lễ lớn, chùa tiêu thụ ít nhất 2 tấn bún.

Một số cảnh chùa: